Bắc Kạn là một tỉnh miền núi nằm ở trung tâm nội địa vùng Đông Bắc Bộ gồm 8 đơn vị hành chính (trong đó có 7 huyện và một thành phố). Đặc sản Bắc Kạn được biết đến với sự đa dạng, độc đáo trong hương vị của các món ăn nơi đây. Hôm nay Tuta Foods sẽ chia sẽ đến các bạn một số món ăn đặc sản nổi tiếng ở Bắc Kạn.
- Thịt treo gác bếp:
Nói đến thịt treo gác bếp nhiều người sẽ nhầm lẫn với món thịt trâu gác bếp đặc sản Tây Bắc. Hai món ăn này có cách làm gần như nhau. Trước đây cũng cùng chỉ là cách bảo quản cho thịt lâu bị hỏng, nhưng giờ đây đều trở thành món ăn được nhiều người ưa thích và trở thành thương hiệu.
Thịt treo gác bếp là thịt được làm từ thịt lợn người dân sử dụng loại “lợn tên lửa”, đây là một loại lợn nuôi lâu lớn nhưng chất lượng cao. Đặc điểm của “Lợn tên lửa” là thịt thơm, săn chắc, khi nấu không có nước, bì giòn…
Đồng bào ở Bắc Kạn có thể chế biến thịt treo gác bếp thành nhiều món ăn như: xào với cà chua, kho với lá tỏi hay đơn giản là xào lẫn với rau cải đắng… Thịt có hương thơm đặc trưng, miếng thịt chắc không bị nát, ăn không ngấy, rất ngon và lạ miệng. Ta có thể cảm nhận được trong đó có hương thơm của mùi khói và vị ngọt ngọt của thịt đọng lại.
2. Tôm chua ba bể:
Bên cạnh những món đặc sản của vùng cao Bắc Kạn như gà đồi, nếp Tày, nấm hương, miến dong, cơm lam và bánh chưng Bắc Kạn thì tôm chua là món ăn ngon đặc sản ở Bắc Kạn được chế biến từ tôm hồ Ba Bể. Du khách đến Bắc Kạn mà không được thưởng thức tôm chua Ba Bể thì thật sự đáng tiếc, coi như chưa tới Bắc Kạn.
Tôm chua Ba Bể khác với tôm chua vùng biển hay xứ Huế với vị ngọt dịu của đường, chua cay nồng nàn của ớt giềng, tôm chua vùng hồ Ba Bể cũng có vị ngọt, vị chua, vị cay nhưng lại tự nhiên, hương vị ngọt dìu dịu, chua thanh, hơi cay cay nhưng lại rất đậm đà, riêng biệt như làm say lòng thực khách.
3. Khâu nhục:
Khâu nhục là món ăn đặc sản Bắc Kạn nhưng có nguồn gốc từ Trung Quốc. Cái tên “khâu nhục” xuất phát bởi phiên âm tiếng Hoa: “Khâu” có nghĩa là “hấp đến mềm rục”, còn “nhục” có nghĩa là “thịt”, do đó nếu dịch đúng có thể hiểu là “thịt được hấp rục” Hay hấp đến chín nhừ.
Món khâu nhục làm rất cầu kì và lắm công phu. Thành quả sau thời gian dài chế biến khoảng 5 giờ đồng hồ và hấp nóng là: Miếng thịt có màu vàng cánh rán, khi ăn miếng thịt mềm nhừ, có vị béo ngầy ngậy của thịt mỡ, vị ngọt nhẹ của mật ong, vị thơm của ngũ vị hương, thảo quả. Chỉ cần thử một chút bạn cũng đủ cảm nhận được hết hương vị thơm ngon kết tinh trong món ăn này.
4. Lạp sườn hun khói:
Lạp xưởng hay còn gọi là lạp sườn hun khói là món ăn có từ lâu đời của người dân Bắc Kạn.
Lạp xưởng được làm từ thịt nạc và thịt mỡ lợn xay nhuyễn ướp với rượu trắng và nước gừng, đường rồi nhồi vào ruột lợn khô để chín bằng cách lên men tự nhiên. Ướp như vậy khiến cho lạp xường sẽ có mùi thơm rất đặc trưng, để được lâu mà không bị hỏng.
Điểm độc đáo của Lạp xưởng đặc sản Bắc Kạn là được tẩm ướp bằng gừng đá, một loại gừng chỉ mọc trên đá của người dân tộc nên có mùi rất thơm, rất đặc biệt.
5. Miến dong:
Na Rì là một huyện nằm ở phía đông của tỉnh Bắc Kạn. Nơi đây nổi tiếng với một món đặc sản đó là miến dong.
Miến dong được làm thủ công từ những củ dong, củ giềng trồng trên đèo Áng Tòong ở độ cao trên 1000 m, với bàn tay khéo léo của những người dân, cho ra sợi miến có màu vàng tự nhiên do không dùng hóa chất, sợi dai có vị giòn thơm của dong giềng, để lâu cũng không bị nát.
Bắc Kạn là địa điểm du lịch khá nổi tiếng, đến với Bắc Kạn du khách không những được trải nghiệm các nền văn hóa khác nhau, được tham quan danh thắng thiên nhiên tuyệt đẹp Hồ Ba Bể, mà còn được thưởng thức các loại đặc sản ẩm thực mang đậm bản sắc của đồng bào dân tộc nơi đây. Đây là một nơi khá là đáng để đến thử đúng không nào?