Ngoài những thực phẩm nên dùng, các chuyên gia dinh dưỡng còn cho rằng thời gian ăn uống cũng góp phần không nhỏ trong việc tăng cường sức khỏe ở một người.
Ăn uống đúng giờ, sinh hoạt điều độ sẽ cung cấp cho cơ thể nguồn năng lượng tối ưu nhất. Ngoài ra, ăn đúng giờ để đảm bảo sức khỏe, bởi khi đó, hệ tiêu hóa sẽ làm việc hiệu quả hơn để giúp cơ thể hấp thụ được các dưỡng chất một cách tối đa. Còn nếu bạn ăn uống thất thường, thậm chí bỏ bữa sẽ dẫn đến các bệnh nguy hiểm, mà nguyên nhân chủ yếu là do rối loạn chuyển hóa.
Bên cạnh đó, nếu ăn không đúng bữa, đúng giờ giấc có khả năng sẽ ảnh hưởng đến nhịp sinh học, đồng thời tác động tới quá trình trao đổi chất của cơ thể.
1. Mối tương quan giữa thời gian ăn uống và nhịp điệu sinh học
Một nghiên cứu gần đây đã chứng minh hoạt động của cơ thể sẽ đạt mức tối ưu khi bạn ăn uống đúng cách. Cụ thể hơn, thời gian ăn uống của bạn nên phù hợp với nhịp điệu sinh học. Tình trạng xáo trộn nhịp điệu sinh học do bỏ bữa, ăn muộn hay ăn khuya rất dễ dẫn đến hàng loạt vấn đề liên quan đến quá trình trao đổi chất.
Mặt khác, điều này cũng là tiền đề khiến cân nặng tăng một cách nhanh chóng.
Tiêu thụ lượng lớn thức ăn vào ban ngày sẽ tốt hơn cho sức khỏe của bạn, chẳng hạn như:
- Khả năng đốt cháy calo của cơ thể giảm dần về đêm.
- Vào ban ngày, tuyến tụy tăng cường sản sinh insulin nhằm kiểm soát tốt lượng đường trong máu. Tốc độ sản xuất loại hormone này sẽ giảm dần khi trời tối.
- Đồng hồ sinh họcở ruột đảm nhiệm công việc điều chỉnh dòng chảy cũng như nồng độ enzyme hàng ngày, đồng thời quản lý quá trình hấp thụ chất dinh dưỡng và loại bỏ chất thải. Tương tự insulin, nhóm enzyme tiêu hóa này cũng được sản xuất nhiều nhất vào ban ngày.
- Hoạt động của nhóm lợi khuẩn (vi khuẩn đường ruột) trong ngày cũng diễn ra theo quy luật nhất định.
- Việc thiếu ánh sáng mặt trời vào ban đêm kích thích não giải phóng melatonin, hormone chịu trách nhiệm điều hòa chu kỳ thức – ngủ của một người. Vì vậy, việc tiếp nhận năng lượng cũng như dinh dưỡng vào thời gian này sẽ gây mâu thuẫn cho nhịp điệu sinh học. Khi đó, thay vì nghỉ ngơi, các bộ phận còn lại trên cơ thể sẽ nhận tín hiệu tiếp tục làm việc.
2. Tác hại của việc ăn uống lệch nhịp sinh học
Tình trạng ăn khuya kéo dài rất dễ khiến hệ thống đồng hồ sinh học trong cơ thể không đồng bộ. Bên cạnh đó, thói quen ăn uống không điều độ còn gây thêm áp lực lên những cơ quan tiêu hóa, từ đó phát sinh thêm hàng loạt vấn đề như:
- Suy giảm chức năng hoạt động của hệ tiêu hóa
- Hiệu quả trao đổi chất kém
- Sức khỏe tổng thể yếu dần theo thời gian
- Cân nặng thay đổi theo hướng tiêu cực
Ngày nay, không ít công việc vì một số lý do mà phải phân chia ca làm. Trong đó, những người làm ca đêm có thể được trả công nhiều hơn, nhưng sức khỏe của họ càng có nguy cơ suy kiệt so với người làm ca ngày.
Nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ thời gian ăn uống cũng như nghỉ ngơi của họ không tuân theo nhịp điệu sinh học của một người bình thường. Theo thống kê từ một số nghiên cứu, làm việc ca đêm dường như có mối liên hệ mật thiết đến những bệnh lý như:
- Béo phì
- Đái tháo đường (tiểu đường)
- Một số dạng ung thư
- Các bệnh về tim mạch
- Cân nặng có xu hướng tăng
Mặc dù nhiều cuộc nghiên cứu cho thấy ăn vào ban ngày sẽ tốt cho quá trình trao đổi chất cũng như sức khỏe hơn, nhưng điều này không đồng nghĩa với việc bạn nên bỏ bữa tối. Thay vào đó, bạn có thể giảm bớt lượng calo trong bữa ăn này lại.
Ngoài ra, việc giảm dần lượng calo qua mỗi bữa ăn trong ngày có khả năng giảm nhiều cân hơn ở người bị béo phì, đồng thời cải thiện đáng kể những yếu tố nguy cơ về đường huyết, insulin và tim mạch.
Kết quả trên rất giống với câu thành ngữ lâu đời: “Hãy ăn sáng như một vị vua, ăn trưa như một hoàng tử và ăn tối như một kẻ ăn mày”.
Mời bạn theo dõi bài viết tiếp theo để hiểu hơn về việc nên ăn uống thế nào ở từng thời điểm trong ngày nhé!